*Phôt: Báo Tuổi Trẻ Cười
Chuyện xứ khác, dĩ nhiên là chuyện diễn ra ở… xứ khác, có thể đây là chuyện ở một đất nước khác, một hành tinh khác hoặc là một vũ trụ khác… chứ hoàn toàn không phải ở nơi ta đang sống. Nếu có một sự trùng hợp nào đó thì dĩ nhiên đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi.
Ở xứ khác ấy, khi vừa bước vào ta sẽ thấy một cái cổng rất hoành tráng, cái cổng chính là hiện thân của niềm tin, của lý tưởng mà nơi ấy theo đuổi với những dòng chữ uy nghi lẫm liệt “Nơi đây chính là nhà của các bạn, chúng tôi, những vị quan, được sinh ra để phục vụ các bạn. Nói chung đây là đất nước của các bạn, vì các bạn. Chúng ta cùng hướng tới một tương lai giàu đẹp cho mọi nhà.” Nhìn kỹ thì có thể thấy những dòng chữ đã ố vàng, có lẽ đã được viết cách đây rất lâu! Nhưng khi bước qua cánh cổng ấy, sự thật có thể sẽ khiến chúng ta đau lòng…
Tôi vừa bước vào thì thấy một anh chàng lực lưỡng đang đẩy một thứ rất giống với cái gọi là xe ở nơi ta đang sống. Tôi liền lại gần và hỏi “Này, phương tiện của anh có vấn đề gì hay sao mà phải đẩy thế?” anh ta vuốt những giọt mồ hôi trên trán rồi trả lời “Không. Vì tiết kiệm nhiên liệu thôi, nhà tôi phía trước đấy, sắp tới rồi.” Nói xong tay anh chỉ chỉ về phía ngôi nhà cách đấy khoảng vài trăm mét. Tôi hỏi tiếp “Nhiên liệu ở đây hiếm lắm sao mà phải tiết kiệm ghê thế,” anh ta có vẻ ngạc nhiên trước câu hỏi của tôi nhưng rồi cũng trả lời “Chắc anh từ nơi khác đến, chúng tôi chạy một loại nhiên liệu gọi là “Tăng Mãi” do anh Pê Văn Trô độc quyền, suốt ngày ảnh cứ than là làm ăn lỗ lã nên cứ tăng giá miết, chúng tôi nghe vậy. Giá cao quá rồi, tiết kiệm được ít nào hay ít đấy như anh thấy đó.” Nói xong anh ta liền một mạch đẩy xe về nhà mặc xác tôi đứng đó với biết bao nghi vấn trong đầu.
Đi một quãng nữa, hơi khát nước, tôi liền ghé vào một quán nước mía. Chủ quán là một cô gái có vẻ xinh, thế nhưng khi đứng trước chiếc xe nước mía thì là một hình ảnh hoàn toàn khác hẳn. Cô gái đang phải hì hục quay từng cây mía, khuôn mặt xinh xắn giờ toàn mồ hôi. Thấy xót, tôi liền lại gần định phụ một tay thì cô ấy bảo “quý khách đừng nhọc công, em quen rồi, với lại thật sự là xe này có thể chạy bằng một nguồn năng lượng nhưng em vẫn thích làm bằng tay hơn.” Tôi thấy lạ, hỏi ngay “Sao lạ vậy? sao lại thích cực nhọc là thế nào?” Cô gái mỉm cười “Em đùa đấy. Thật ra bọn em xài một nguồn năng lượng gọi là “Thích Thì Tăng” do chú Lực độc quyền phân phối. Ảnh thích thì ảnh tăng, đến nỗi bây giờ em phải làm bằng tay này.” Xong cô nàng đưa tôi ly nước mía, tôi uống trong vô hồn.
Đi tiếp một quãng, tôi lại thấy một anh mặt đồ quan có vẻ như là một ông quan đi tuần. Ông ta đang quan sát những phương tiện đang lưu thông trên đường. Bất chợt ông vun một cây gậy có vẻ rất quyền lực trước một phương tiện, trên xe là một thiếu phụ, cô ta liền biến sắc tấp vào lề. Chả biết họ trao đổi gì, chỉ biết thiếu phụ thì ra sức van xin trong khi ông quan thì cứ lầm lũi vun vẩy cây bút trong tay, cuối cùng người thiếu phụ nhét cái gì đó vào trong tay của ông quan, ông ta liền nói câu gì nữa xong cho thiếu phụ rời đi. Tôi quan sát nửa ngày, mọi việc cứ diễn ra theo một trình tự như thế cho đến khi ông quan có vẻ đói bụng và bước vào một tiệm ăn. Tôi nghe người dân ở đó bảo nhau rằng ông ta chả bao giờ ăn bánh mì!?
Trước mặt tôi bây giờ là một bà lão đang nhìn một tờ giấy trên tay với vẻ chán chường. Tôi liền bước lại gần và hỏi “bà ngồi đây có chuyện gì thế? con cháu bà đâu hết rồi mà không giúp đỡ bà?” Bà lão nhướng đôi mắt về phía tôi, giọng có chút dỗi hờn “con cháu gì chứ? tôi còn độc thân, tôi định làm giấy ‘Chứng nhận độc thân’ để tham gia vào hội “độc thân” để tìm người yêu. Lúc tôi đi xin giấy này tôi mới 30 tuồi. Giờ 70 muơi rồi mà vẫn chưa ký được cái giấy đây này.” Nói xong bà khóc như một đứa trẻ.
Chán chường, vừa rời đi thì tôi bỗng bị một người va vào. Choáng váng và hơi bực mình, đang định ăn thua nhưng khi nhìn lại người vừa va phải mình thì mọi ý nghĩ bỗng tiêu tan. Đó là một người đàn ông có vẻ cao tuổi, vẻ mặt ngây dại, đầu tóc rối bời, quần áo thì như cái giẻ lau bàn. Sau khi va phải tôi ông ta chẳng nói chẳng rằng, chỉ nhìn tôi với vẻ lạ kỳ rồi bước đi. Một người đàn ông khác liền đến vỗ vai tôi và bảo “Đừng buồn lão, thật ra lão là một tri thức đấy. Lão ta chuyên nghiên cứu luật lệ nơi đây, cơ mà than ôi hàng năm ở trên ra cả trăm bộ luật mà toàn tào lao, ra rồi sửa, sửa rồi xóa, xóa rồi lại ra một cách vô trách nhiệm. Lão ta chịu hết nổi nên mới thành ra thế đấy.” Tôi bần thần, chỉ mỉm cười với ông ta rồi gật đầu, người đàn ông đó bước đi với dáng vẻ sao mà âu sầu thế?
Đang nản lòng định quay về thì bỗng một đám đông xúm lại làm tôi tò mò, bước đến thì hỡi ôi một cảnh tượng kinh hoàng đang xảy ra. Một anh bán hàng trên đường vừa bị một tên côn đồ đánh ngất xỉu. Mà không phải, có người bảo tên đánh người đó là quan, có người bảo là côn đồ thật, lại có người bảo hắn là một tên côn đồ đội áo quan. Thật khó hiểu!
Đi một vòng thì tôi nghe càng nhiều chuyện kỳ bí, chẳng hạn một anh quan to đi sang tây mua một đống sắt vụn về để…ngắm. Một đám quan có máu mặt đánh nhau với dân vì giành….miến đất. Rồi những vị lính nha nho nhỏ cũng có thể bắt nạt những thường dân với tiêu chí “anh làm quan, anh có quyền”, những dự án đình đám làm một nửa còn một nửa…để đó, hè về hàng trăm người đi du thuyền trên…đường phố, tham ô, quan liêu khắp nơi, vân vân và vân vân. Nhìn mà xót, trong khi những nơi kề bên như tôi thấy thì đang ngày càng lớn mạnh, người dân nơi ấy thì chỉ biết nhìn và thèm thuồng với câu nói cửa miệng “ở nước ngoài người ta…”
Tôi biết nơi ấy có một vị lãnh tụ rất đáng kính, những gì khắc trên cổng chính là những ước mong của Ngài khi còn sống. Thế nhưng nếu Ngài đang nhìn thấy những gì đang diễn ra nơi ấy thì có lẽ điều người dân nơi ấy thấy không phải là nụ cười đôn hậu còn lưu giữ trên những bức hình của Ngài nữa mà là những giọt nước mắt thất vọng mà thôi. Buồn thay…
David Bectam
theo cảm nhận của tôi, ý tưởng của tác giả khá hay. bài viết nêu bật được những bất cập trong 1 "xứ khác".nhưng tôi nghĩ tác giả mới chỉ đi qua xứ đó thôi, chưa ở lại xứ đó nên chưa hiểu hết xứ đó. hơn nữa những chuyện lạ ở xứ này chưa chắc đã lạ với xứ khác. nếu được tác giả có thể so sánh với 1 xứ nào đó để có thể cảm nhận được xứ đang nhắc đến ở vị trí nào
Tác giả về hơi sớm, mới chỉ thăm thú một vài nơi thôi, nên đi thêm vài chuyến nữa, như vậy bọn tôi sẽ có thêm cái để đọc.