Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta có những khoảng lặng của riêng mình, ở đó không ai có thể chạm đến, và ta thấy mình được yên bình ở đó. Đôi khi, trong cuộc sống, bạn cũng không hiểu vì sao đột nhiên ai đó im lặng với bạn hoặc bạn cũng không muốn tỏ bày. Đôi khi, chúng ta còn nói được với nhau bằng thứ ngôn ngữ của lặng im. Với những người bạn thân, tri kỷ, nhiều khi, chỉ cần nói với nhau bằng lặng im mà vẫn thấy yên bình.
Khi càng trải nghiệm nhiều đời sống nội tâm con người ta càng phức tạp lên và suy nghĩ đưa người ta đi rất xa, không dừng lại ở vẻ bề ngoài người khác nhìn thấy, hay lời nói thốt ra mọi người nghe được. Ta thấy con người ngoài đời khác con người trong tiểu thuyết vì trong tiểu thuyết đời sống nội tâm của nhân vật được phơi bày trần trụi trên từng trang giấy. Còn con người trong đời thực, có những người không muốn thể hiện, hoặc có những người chẳng biết thể hiện như thế nào. Chứ chính ra thì nội tâm của mỗi con người đều ẩn chứa những câu chuyện hay như tiểu thuyết vậy. Đó cũng là lý do tại sao người ta nói, khi ai đó không nói được bằng lời thì lúc đó thế gian này có thêm một bài thơ,một bản nhạc hoặc một tác phẩm nghệ thuật. Một khi tâm hồn ai đó quá tràn đầy, rất có thể họ sẽ trở thành nghệ sĩ.
Sự thật là chúng ta biết về thế giới của một ai đó thật hữu hạn. Vì thế giới nội tâm của con người luôn đổi thay, trưởng thành và đôi khi chúng ta không nhìn thấy bằng mắt. Phải nhìn bằng trái tim, như trong truyện “Hoàng tử bé” vậy, nếu chúng ta thực sự yêu thương ai đó. Giống như chúng ta chỉ hiểu được cây qua tiếng nói sắc mầu của lá, làm sao biết được nhựa sống đang chảy bên trong lớp vỏ xù xì kia?
Nói về sự biến chuyển trong thế giới nội tâm của con người, trong những phần rất nhỏ và rất nhiều nhân vật của cuốn “Biên niên ký chim vặn dây cót”, có một cô gái bị mắc chứng ĐAU THỂ XÁC ở khắp mọi nơi trên cơ thể khiến cô không thể nào chịu đựng được. Rồi sau đó có một biến cố khiến cô KHÔNG CÒN ĐAU NỮA, nhưng BỊ VÔ CẢM. Sau đó có thêm một biến cố nữa khiến cô có cảm giác đau đớn trở lại nhưng CÓ THỂ KIỂM SOÁT ĐƯỢC CÁI ĐAU. Cô gọi đó là sự trải nghiệm của cái tôi thứ nhất, cái tôi thứ hai và cái tôi thứ ba. Sau đó thì cô bắt đầu cuộc hành trình mới.
Trong quá trình trưởng thành chúng ta sẽ trải qua ba trạng thái đó. Sự đau đớn về thể xác và những tình tiết trong truyện thực ra có thể hiểu sang sự đau đớn về tinh thần trong đời sống thực của mỗi con người.
Chúng ta có “một thời yêu thương, một thời bão nổi”, yêu cuồng nhiệt và đắm say đến mức tổn thương, cả trong tình yêu, trong công việc, trong tình bạn hay đối với cả thành phố mình yêu mến. Rất có thể chúng ta đã bị đau khổ đến không thể chịu đựng nổi và rồi để tránh cái đau, chúng ta tìm mọi cách để quên lãng, xóa bó hoàn toàn, im lặng tuyệt đối, đến mức, chúng ta vô cảm. Khi sự vô cảm kéo dài một thời gian chúng ta cảm giác mình đã chết rồi, theo một nghĩa bóng nào đó. Và cần phải thoát ra, đến một sự trải nghiệm cao hơn, đối diện với những vẻ đẹp, sự đam mê làm chúng ta rung động, nhưng cũng biết điều khiển nó khiến chúng ta không còn đau đớn.
Lại nói về trạng thái vô cảm và quên lãng ở một quãng nào đó trong quá trình trải nghiệm của đời sống, không thể không nhắc đến “Và khi tro bụi”. Những ẩn dụ của chuyện hay đến mức không ngờ.
Có một người phụ nữ đã xóa ký ức của mình rằng trong chiến tranh bà đã bỏ rơi đứa em gái nhỏ của mình khi bom nổ để bỏ chạy. Để không phải ân hận, bà đã xóa sạch ký ức và sau một biến cố là chồng chết, bà không còn biết mình là ai, và đã có một cuộc hành trình dài đi tìm mình. Có một anh thanh niên nghi ngờ rằng cha mình đã giết mẹ, nhưng về sau, để mong muốn có một cuộc sống yên ổn với người tình của cha mình, anh ta đã xóa sạch ký ức, phủ nhận luôn cả hình ảnh của em mình đang bị mất trí nhớ trong trại trẻ.
Khi chúng ta cố xóa đi những sự thật khiến chúng ta đau đớn, cũng là lúc chúng ta không biết mình là ai nữa. Có những người chọn cách sống quên lãng những sự thật phũ phàng để yên ổn với đời sống thực tại êm ấm. Có những sự thật không là sự thật trong những lời được nói ra và có những sự thật ở yên trong một góc nào đó của cuộc đời như chính bản thân nó hiện hữu.
*Feature Image: Minato’s Flower
“Khi chúng ta cố xóa đi những sự thật khiến chúng ta đau đớn, cũng là lúc chúng ta không biết mình là ai nữa.” – Vậy làm thế nào để tồn tại nếu như cứ bị nỗi đau dày xéo?