30 C
Nha Trang
Thứ bảy, 23 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Một số nhầm lẫn của Marx

Featured Image: f2b1610

 

Marx là một triết gia lớn, được nhiều người đánh giá rất thông minh, có đạo đức tốt, rất yêu mến giai cấp vô sản, suốt đời phấn đấu cho tự do và giải phóng vô sản. Marx là con người tuyệt vời được hàng tỷ người ngưỡng mộ. Những kết luận do Marx đưa ra đã trở thành lý luận cách mạng của nhiều đảng cộng sản và những đồ đệ của Marx cho rằng đó là những điều duy nhất đúng, còn cái gì ngược lại là sai, là phản động. Hàng tỷ người, trong đó có nhiều người thông minh, ưu tú, trong thời gian dài đã tin vào điều đó, ca ngợi điều đó.

Người ta tin, rất tin vào Marx vì động cơ rất tốt đẹp của ông, vì sự chứng minh, sự suy luận có hình thức bên ngoài chặt chẽ, vì lý thuyết của Marx phù hợp với lòng mong ước của số đông. Lý thuyết đó đã thắng lợi lớn ở một số nước, nhưng rồi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Trung Quốc đưa ra thuyết ba đại diện mà thực chất là không còn theo Marx một cách tuyệt đối. Tại sao lại như vậy? Phải chăng trong lý thuyết của Marx có cái gì đó không đúng, phải chăng Marx có nhầm lẫn điều gì?

Năm 1922, trong bài giảng về “Chủ nghĩa tam dân”, Tôn Trung Sơn nhận xét như sau: Marx là người rất giỏi và có đạo đức tốt, chỉ tiếc rằng luận thuyết đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội loài người của ông là một sai lầm nghiêm trọng.

Tôi không phải người nghiên cứu triết học và sử học, càng không phải người hoạt động chính trị nên không có những nghiên cứu sâu về Marx. Thời trẻ tôi học và thi các học thuyết của Marx đạt điểm khá cao, rất tin vào các học thuyết đó, nguyện suốt đời phấn đấu theo các học thuyết đó. Lớn lên tôi thấy một số điều trong thực tế cách mạng không giống như lý thuyết, về già tôi ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm thực tế, xem một số tài liệu viết về chủ nghĩa Marx mới cảm nhận thấy Marx có thể đã nhầm một cái gì đó. Tôi chỉ viết ra những cảm nhận để trao đổi với bạn bè chứ không phải công bố một tài liệu nghiên cứu khoa học. Mà đã là cảm nhận thì không cần chứng minh.

Theo tôi Marx đã có nhầm lẫn. Tiếc rằng những nhầm lẫn đó là do lòng tốt của ông tạo ra, nó được ẩn dấu rất kín đáo và ngấm ngầm tạo ra hạt giống độc hại.

Khi tuyên truyền, khi tiếp xúc với chủ nghĩa Marx người ta chỉ chú ý đến, chỉ thấy, chỉ nói về những mặt tốt đẹp của nó mà chưa thấy được hạt giống độc hại còn ẩn dấu rất kín. Chưa thấy được vì quá tin, quá yêu, quá tôn sùng hoặc vì trình độ chưa đủ, chưa có con mắt và trí tuệ thật tinh tường. Những hạt giống này chỉ có thể nẩy mầm khi có điều kiện thuận lợi, đó là khi đảng cộng sản đã chiếm được độc quyền lãnh đạo xã hội và thi hành sự toàn trị. Nếu chưa có điều kiện thuận lợi thì hạt giống đó cứ nằm yên, được giấu kín, nhiều người không thể biết, chỉ có một số rất ít người, nhờ điều kiện khách quan thuận lợi hoặc nhờ có linh tính cao mới biết được (ví dụ như Tôn Trung Sơn, Gandhi, Bertrand Russell, Mandela, v.v.). Khi hạt đã nảy mầm, thành cây, có cành lá, hoa quả thì mọi người mới thấy.

Tôi cũng vừa mới thấy trong thời gian gần đây thôi!

Khi hoa lá tiết ra chất độc làm hủy hoại môi trường người ta mới đi tìm nguyên nhân. Nhưng phần lớn chỉ thấy nguyên nhân ở hoa lá mà không thể, không muốn hoặc không dám tìm đến gốc rễ, đến hạt giống. Người ta đổ lỗi cho môi trường, cho hoàn cảnh mà không dám đụng đến bản chất là hạt giống.

Tôi tạm dừng lại một chút để kể hai câu chuyện.

1 – Chuyện của anh Ngữ, giảng viên của trường Đại học Xây dựng. Ngữ sinh ra khỏe mạnh, thông minh, học giỏi từ phổ thông đến đại học, được giữ lại làm giảng viên. Anh là một giảng viên có nhiều năng lực, được tập thể tin cậy, đánh giá cao và đặt nhiều hy vọng. Anh rất tự tin vào thể trạng và trí tuệ của mình, thường than phiền về người anh ruột hơi bị tâm thần. Thế nhưng, đùng một cái, Ngữ phát bệnh tâm thần, chữa trị một thời gian không khỏi và qua đời. Nhiều người tiếc thương cho một tài năng, đổ lỗi cho môi trường đã gây ra bệnh, họ có biết đâu mầm bệnh đã được nằm sẵn ở gen từ trong bào thai, chẳng qua mấy chục năm trời nó được giấu kín mà thôi, nó chỉ phát bệnh khi đã tích lũy được năng lượng cần thiết, gặp được điều kiện phù hợp.

2 – Chuyện Tề Hoàn Công. Là một ông vua khỏe mạnh, giỏi giang, làm bá chủ, ông rất tự tin vào năng lực, uy tín và sức khỏe của mình. Một hôm Tần Hoãn vào chầu, thưa với Tề Hoàn là vua đang có bệnh. Tần Hoãn là một thầy thuốc nhờ có Tiên giúp mà có khả năng chỉ nhìn người mà biết bệnh. Vua không nghe, tin rằng mình khỏe mạnh, chẳng có bệnh gì. Một thời gian sau Tần Hoãn lại tâu là mầm bệnh đã phát triển, vua vẫn gạt đi vì không những tự tin mà còn tin vào lời tâu của các quan, các thái y trong triều là vua vẫn mạnh khỏe. Sau thời gian nữa Tần hoãn lại nài nỉ xin vua cho chữa bệnh thì bị đuổi đi. Đến khi vua phát bệnh nặng cho tìm Tần Hoãn thì ông đã bỏ trốn. Sau khi bị tìm được, bắt về chữa bệnh thì Tần Hoãn thưa: Ban đầu bệnh của Hoàng thượng mới là mầm mống, có thể uống thuốc để chữa. Tiếp đến, bệnh phát triển vào máu, có thể dùng châm cứu để chữa, nhưng vì không chữa nên để nặng thêm. Đến khi bệnh phát ra da, tuy nặng rồi nhưng trong uống, ngoài xoa vẫn còn có thể chữa. Còn đến bây giờ bệnh đã vào đến tủy thì hạ thần đành chịu bó tay. Tề Hoàn Công và thân tín của ông trong thời gian dài không dám nói là ông có bệnh, chỉ có một người biết và dám nói thì bị đuổi đi.

Mầm bệnh của chủ nghĩa Marx cũng giống như của hai người vừa kể, nó đã tồn tại rất lâu, ngay từ lúc chủ nghĩa mới hình thành, ngay cả lúc chủ nghĩa tỏa hào quang rực rỡ, làm say đắm hàng triệu chiến sỹ cách mạng. Hình như một lúc nào đó Marx cũng cảm nhận được là nếu không khéo thì sau khi cách mạng thành công sẽ phát sinh những bệnh không mong muốn. Nhưng Marx, vì bị lòng tốt và tình cảm với giai cấp vô sản chi phối mà đã tin rằng bệnh có thể được ngăn ngừa. Marx tưởng rằng những người theo học thuyết của ông để làm cách mạng đều có được nhận thức và đạo đức như ông. Nếu quả như thế thì đó là một nhầm lẫn lớn!

Nhiều học thuyết về xã hội, về triết học thường bắt đầu bằng việc đánh giá con người (nhân chi sơ tính bổn thiện hoặc là tính bổn ác). Marx cũng đánh giá: “Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội.” Marx thấy con người của xã hội tư hữu có nhiều đức tính xấu xa, tham lam, ích kỷ, không dung hòa được mâu thuẩn giữa quyền lợi cá nhân và cộng đồng, là cá lớn nuốt cá bé, v.v. Marx thấy giai cấp vô sản không những đáng thương vì bị bóc lột mà còn đáng yêu, đáng tin, đáng kính trọng vì họ đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau, sẵn sàng hy sinh vì quyền lợi giai cấp. Marx bị ảnh hưởng nhiều bởi học thuyết Darwin, cho rằng môi trường, hoàn cảnh có ảnh hưởng quyết định đến sự tiến hóa của muôn loài. Marx tin chắc thói xấu của con người là do tư hữu sinh ra. Khi làm được cách mạng vô sản, đưa người vô sản lên cầm quyền để quản lý xã hội, xóa bỏ tư hữu, thiết lập nền công hữu thì giai cấp vô sản dễ dàng xử lý mâu thuẩn giữa quyền lợi cá nhân và cộng đồng, xóa bỏ thói tham lam ích kỷ, mọi người sẽ đoàn kết, thương yêu nhau, làm việc tự giác, đối xử công bằng.

Marx đã nhận thức nhầm về bản chất con người, đánh giá quá cao những đức tính của giai cấp vô sản. Điều này cũng do vận dụng học thuyết duy vật của ông. Ông cho rằng vật chất có trước và quyết định ý thức, ông phủ định phần tâm linh nơi con người, ông không biết rằng tính tham lam, ích kỷ đã được hình thành từ trong bào thai, là một phần thuộc tiên thiên, hoàn cảnh xã hội chỉ làm tăng thêm hoặc giảm bớt mà thôi. Ông không biết rằng một con người khi còn là vô sản có nhiều đức tính tốt vì hạt giống xấu chưa có điều kiện nẩy mầm, nhưng khi đã trở thàmh người có quyền, mà lại là độc quyền thì các hạt giống tốt sẽ thui chột đi, nhường miếng đất màu mỡ cho các hạt giống tư lợi, độc đoán phát triển.

Khi quan sát sự nghèo đói của vô sản, Marx quá đề cao nguyên nhân không có tư liệu sản xuất mà coi nhẹ một nguyên nhân khác cũng vô cùng quan trọng, đó là những người nghèo đói nhất trong giai cấp vô sản thường là do ngu dốt, lười biếng.

Marx quá tin, quá đề cao vai trò của vô sản nên đã suy đoán rồi rút ra kết luận là cách mạng vô sản là tất yếu. Đã hơn 150 năm kể từ khi Marx công bố Tuyên ngôn của các đảng cộng sản, lời dự đoán về cách mạng vô sản đã không được kiểm chứng.

Marx là người tạo ra tiên đề để Lenin rút ra kết luận tất yếu phải thiết lập chuyên chính vô sản, cho rằng chính quyền nhà nước là của giai cấp này nhằm thống trị giai cấp khác đối lập. Đó là những kết luận rất sai lầm, nó tạo ra sự độc quyền, chuyên chế, đàn áp những tư tưởng và xu hướng khác biệt. Nhà nước của giai cấp theo Lenin có lẽ chỉ xảy ra dưới thời phong kiến và cộng sản, còn bình thường thì nhà nước là cơ quan quản lý xã hội, nhằm dung hòa quyền lợi và nghĩa vụ giữa các tầng lớp. Lý luận về đấu tranh giai cấp, về chuyên chính vô sản, về công hữu hóa tư liệu sản xuất do Marx và Lenin vạch ra đã được những người kế tiếp như Stalin, Mao Trạch Đông phát triển thành những thảm họa như cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, cách mạng văn hóa, đàn áp những xu hướng tư tưởng và xã hội khác biệt.

Trong khi đảng cộng sản thắng lợi ở một số nước nông nghiệp nghèo như Nga, Trung Quốc, Việt Nam thì ở nhiều nước tư bản phát triển, các đảng xã hội đi ngược lại với Marx, chủ trương không làm cách mạng vô sản mà tiến hành cải cách xã hội theo phương hướng dung hòa quyền lợi. Họ đã tạo nên xã hội tốt đẹp, phát triển như các nước Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Hà Lan, Đức, Anh, Thụy Sĩ, v.v.

Marx đã rất tin vào thắng lợi tất yếu và rất tốt đẹp của cách mạng vô sản mà không thấy hết sự phá hoại nhiều thứ do cuộc cách mạng đó mang lại. Marx đã rất đơn giản khi tin và cố chứng minh rằng trong xã hội do vô sản lãnh đạo với sự công hữu tư liệu sản xuất thì mọi thứ đều phát triển tốt đẹp. Marx rất nhầm khi cho rằng giai cấp công nhân là đại diện cho nền sản xuất hiện đại, đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến. Marx đã không dự đoán được rằng một số không nhỏ những người, mới hôm qua, lúc đang vận động làm cách mạng thì tỏ ra rất tốt, rất ưu tú, nhưng hôm nay, khi đã nắm quyền lực thì trở nên tư lợi, độc đoán, họ lại đi theo vết xe của bọn thống trị đã bị họ lật đổ trước đó. Điều ấy là nằm trong bản chất của số đông con người chứ không phải thuộc bản chất giai cấp.

Tôi nhớ ở đâu đó Marx có viết là độc quyền sẽ dẫn đến thoái hóa, điều đó là đúng cho mọi lĩnh vực, thế nhưng người ta lại chỉ vận dụng cho kinh tế tư bản, còn đối với chính trị cộng sản và kinh tế quốc doanh thì người ta lại cố bảo vệ sự độc quyền.

Khi phân tích sự sụp đổ của Liên xô, nhiều người chỉ ra 2 nguyên nhân cơ bản là sự thiếu dân chủ trong đảng cộng sản cầm quyền, là cán bộ cấp cao chưa thực sự giác ngộ về giai cấp, thiếu rèn luyện nên thoái hóa, biến chất. Khi phân tích những tiêu cực, những tệ hại của xã hội Việt Nam hiện nay người ta cũng cho rằng nguyên nhân cơ bản là một số đông đảo cán bộ các cấp, các ngành thoái hóa, biến chất, không giữ được đạo đức cách mạng. Tôi nghĩ rằng những nguyên nhân đó chỉ là lá, là ngọn, dễ thấy, còn có nguyên nhân của nguyên nhân, là thân, là gốc được ẩn dấu trong đất sâu mà người ta không thấy hoặc thấy mà không dám đụng tới, không dám đào bới.

Thử hỏi một đảng cộng sản hùng mạnh như của Liên Xô, của Việt Nam, điều lệ viết rõ ràng về quyền dân chủ, về phê bình và tự phê bình, về nghĩa vụ tu dưỡng đạo đức, mỗi lần đại hội đều nêu cao khẩu hiệu chọn người đủ đức, đủ tài vào cấp ủy, thế thì cái gì sinh ra và dung dưỡng cái bọn mất dân chủ, cái bọn thoái hóa ấy? Tôi đoán rằng chúng được sinh ra từ hạt giống đã được gieo từ trước, đã được dấu kín trong một thời gian từ trong bản chất của học thuyết. Đó là hạt giống chuyên chính, hạt giống độc quyền. Hạt giống này do Marx và Lenin do vô tình hoặc cố ý đã gieo vào học thuyết chuyên chính vô sản, nó cứ nằm im, nằm im mãi, chờ cho đến khi đảng cộng sản nắm được quyền lực thống trị thì mới nẩy mầm và phát triển.

Có một câu châm ngôn từ xưa như sau: “Muốn biết đạo đức một người như thế nào hãy trao cho quyền lực và xem họ sử dụng quyền ấy như thế nào.” Ngày nay có thể suy ra, muốn biết thực chất một đảng như thế nào, hãy xem họ sử dụng quyền lực ra sao. Còn việc nói cho hay, tuyên truyền cho giỏi để lừa nhân dân thì tầng lớp thống trị nào cũng nói được rất tốt, kể cả Napoléon, Hitler, Nhật hoàng phát xít, Pol Pot…

Trong tác phẩm Karl Marx, Peter Singer viết: “Quan niệm của Marx về bản tính con người là sai lầm, nó không dễ thay đổi như ông tưởng.” Peter còn nhận xét: “Chúng ta có những bằng chứng mà Marx không có.” Do đó chúng ta phát hiện ra sai lầm của Marx. Trong tác phẩm Giai Cấp Mới, Milovan Djilas vạch ra tính tất yếu của việc “toàn trị của một giai cấp mới, đó là các đảng cộng sản cầm quyền”.

Nguyễn Ái Quốc đưa chủ nghĩa Marx – Lenin vào Việt Nam với mong muốn vận dụng để lãnh đạo nhân dân đánh đuổi thực dân, giành độc lập, làm cách mạng dân tộc phản đế. Ông cũng nhận thấy chuyên chính vô sản có thể gây ra những bệnh tật không mong muốn nên đã sớm viết tài liệu “sửa đổi lề lối làm việc” để huấn luyện đảng viên, cán bộ nhằm ngăn ngừa các thói hư tật xấu từ độc quyền đến mất dân chủ, từ độc quyền đến thoái hóa, biến chất, tham ô, lãng phí. Thế nhưng ông đã phải chấp nhận lý thuyết đấu tranh giai cấp mà làm luôn cách mạng dân chủ phản phong, cách mạng vô sản xây dựng XHCN. Ông đã rất muốn ngăn ngừa sự thoái hóa biến chất nhưng rồi không thể nào ngăn được vì nó đã có sẵn trong chủ thuyết.

Chủ nghĩa Marx – Lenin vào Việt Nam mang theo sự chuyên chính, sự độc quyền của đảng cộng sản, làm phát sinh một giai cấp mới với đặc quyền đặc lợi, với sự độc đoán và tham nhũng, làm chậm lại sự phát triển của đất nước. Trong tình hình của thế giới hiện nay nhiều điều cơ bản của chủ nghĩa Marx tỏ ra không còn đúng.

Trong phương châm phát triển đất nước, trong dự thảo hiến pháp vẫn nêu quyết tâm kiên trì chủ nghĩa Marx – Lenin, kết hợp tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trong một hội thảo khoa học của Hội Cựu giáo chức tôi có liều mạng phát biểu là để bảo vệ sự đúng đắn và trong sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh thì nên tách tư tưởng đó ra khỏi chủ nghĩa Marx, và để phát triển đất nước trong giai đoạn mới thì nên từ bỏ chủ nghĩa Marx. Lời phát biểu ấy đã bị một số người lên án một cách thầm lặng hoặc công khai, nhưng cũng được nhiều người tỏ ra tán thành một cách dè dặt.

 

N. Đ. C.
Edit: THĐP

spot_img
Bài trước
Bài tiếp theo
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

96 BÌNH LUẬN

  1. Mác chỉ đề ra lý thuyết,nó đẹp nếu nó không dính gì tới chính trị.
    Chính trị dùng nó để lý luận,tuyên truyền và chà đạp nó dưới gót giày bạo lực.
    Lê Nin là người đầu tiên giết chết học thuyết của Mác và biến nó thành thảm họa của nhân loại.

  2. Chuyện ông Marx nhầm lẫn thì không có gì khó hiểu hay đáng ngạc nhiên. Vấn đề ở chỗ người ta sùng bái và đem cái nhìn của một vài cá nhân ra ép toàn xã hội phải theo thì không thực tế nên không thể thành công.

    Bài viết này có tính xây dựng và đáng quan tâm. Tuy nhiên ý kiến của tác giả rằng “để bảo vệ sự đúng đắn và trong sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh thì nên tách tư tưởng đó ra khỏi chủ nghĩa Marx” thì tôi không đồng tình. Tư tưởng của Hồ Chí Minh và Marx đương nhiên phải có chỗ gặp nhau, nếu không thì làm sao công cuộc giải phóng dân tộc mà ông lãnh đạo lại liên quan đến học thuyết của Marx? Cho dù Hồ Chí Minh có ở tình thế bắt buộc phải dựa vào đồng minh vô sản ở các nước đi chăng nữa, thì việc cho rằng học thuyết Marx-Lenin không thực sự ảnh hưởng đến tư tưởng Hồ Chí Minh có thể được xem là khách quan hay không?

    Hồ Chí Minh không còn ở trên đời, cho nên đương nhiên ông không cần ai phải “bảo vệ tính đúng đắn và trong sáng” cho tư tưởng của mình cả. Đảng CSVN đã góp phần xây dựng rồi lạm dụng hình ảnh của ông để che chắn cho những sai lầm của họ, nhưng điều đó chỉ làm cho sai lầm ấy càng trở nên trầm trọng hơn. Bài học cuộc đời Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ còn có nhiều người suy ngẫm và học hỏi, nhưng việc đem ông làm thần tượng để định hướng cho người ta phải theo như theo một giáo chủ thì liệu có hữu ích? Lấy lý do gì để bắt một người của quá khứ phải gánh vác trách nhiệm về những con người thời hiện tại hay tương lai? “Tư tưởng Hồ Chí Minh” liệu có bị biến thành một “con ngáo ộp” để tiếp tục dọa dẫm người khác như học thuyết Marx-Lenin hay không?

    • Cháu rất thích đoạn đầu tiên của cô.

      Chỉ riêng chuyện sùng bái một hệ tư tưởng, được sinh ra từ trí óc của một vài con người, rồi đưa những con người đó lên làm thánh, coi những gì họ tuyên bố là chân lý đã là không thể chấp nhận được.

      Khả năng của con người có giới hạn, một vài con người không thể tự nhiên “sáng tác” ra được một “chủ nghĩa” được. Họ hội họp với nhau rồi đem mớ lý thuyết của mình ra để “tự sướng”, buồn cười quá.

      Còn chưa kể cái đống lý thuyết ấy không những chưa từng được kiểm chứng trong thực tiễn trước khi áp dụng mà còn bị chứng minh là thất bại sau sự sụp đổ của hệ thống XHCN Đông Âu. Vậy mà đến giờ phút này đa phần thanh niên Việt Nam vẫn còn mê muội, tin yêu các lãnh tụ và tin tưởng sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Phải vỗ cả chân lẫn tay hoan hô cho sự triệt để của hệ thống loa đài Cộng Sản!

      Nhiều người sẽ nói là do “người tiêu dùng” không làm theo “hướng dẫn sử dụng” khi nhảy cóc, cố chuyển đổi từ chế độ xe đạp lên thẳng chế độ máy bay, nhưng nếu 2 ông tổ kia đúng là “không bao giờ sai” như Hồ Chí Mịnh từng tuyên bố và những gì họ đúc kết là “chân lý” thì hiển nhiên họ sẽ phải tiên đoán được hậu quả của việc “sử dụng sai cách” để mà viết ra vài dòng “cảnh báo” chứ.

      Cháu rất thấm thía lời khuyên của cô, đó là luôn phải giữ một thái độ trung dung trước mọi thông tin. Nhưng để đạt được trạng thái đó thì có lẽ những người trẻ như cháu còn phải học hỏi nhiều lắm.

      • Người trẻ có ưu điểm là trong đầu óc chưa bị “cài đặt” quá nhiều định kiến, vậy thì càng dễ giữ thái độ trung dung chứ! Chúng ta cần phải biết hoài nghi, hoài nghi để bắt đầu một chặng đường mới trong hành trình đến chân lý. Nếu không có sự tin tưởng vào lãnh tụ Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng thì không thể có thành công trong công cuộc giải phóng dân tộc theo cách mà người Việt Nam đã làm trong quá khứ, điều này theo tôi cần được ghi nhận như một bài học thành công. Tuy nhiên từ thành công này lại dẫn đến những thất bại khác.

        Con người chỉ học hỏi được từ những sai lầm. Làm cách nào để “kiểm chứng thực tiễn trước khi áp dụng” những học thuyết về xã hội hả bạn? Chúng ta đâu có một “xã hội chuột bạch” nào khác tương ứng để mà thí nghiệm? Sai lầm của những người đi trước là bài học quý cho những thế hệ tiếp theo. Họ đã gánh vác những sai lầm ấy thay chúng ta và chúng ta mắc nợ họ về điều đó. Sai lầm không có gì đáng chê cười hay coi thường cả, chỉ có điều không dám nhận sai thì sẽ cản trở tiến hóa của nhân loại. Nhưng trong mớ bòng bong của cái mà chúng ta gọi là “xã hội” ấy, muốn nhận mình sai mình xấu không phải lúc nào cũng dễ. Tôi thông cảm với những người đi trước và chỉ cố gắng không lặp lại “vết xe đổ”.

        Trong lòng tôi trung dung, nhưng thái độ thể hiện ra ngoài mà lúc nào cũng trung dung thì nhiều khi lại không được việc, cho nên tôi mới nhận tôi là một diễn viên, vì diễn viên thì phát biểu theo vai diễn chứ không nhất thiết là phát biểu theo chân lý. Đó cũng chính là điều mà các nhà chính trị đã làm, nhưng họ không có cơ hội công khai nhận là diễn viên như tôi. Nếu chúng ta luôn yên tâm chia sẻ cùng nhau những điều chân thật trong lòng mình nghĩ thì mọi vấn đề đều có thể được giải quyết, nhưng con người hãy còn chưa dám làm thế bởi vì họ chưa sẵn sàng chấp nhận những sự khác biệt.

        Lỗi không phải từ một phía các nhà lãnh đạo mà phần quan trọng là từ người dân. Tôi phải tự lãnh đạo cuộc đời tôi, bạn phải tự lãnh đạo cuộc đời bạn, những nhà lãnh đạo kia cũng thế, đâu có ai làm thay ai được! Nhưng nhiều người dân Việt Nam vẫn quen đổ lỗi hết cho những nhà lãnh đạo mà chưa tự xem xét đúng mức trách nhiệm của cá nhân mình, vậy thì đòi dân chủ ở đâu ra? Nếu mỗi công dân biết tự chịu trách nhiệm về hành động của mình thì họ mới có tự do thật sự được. Chính trị có thể làm hạn chế tự do của người dân về mặt hành chính, nhưng Trời không bao giờ tước đoạt quyền tự do tư tưởng của con người, mà tự do tư tưởng đồng nghĩa với tự do hành động, như thế những thể chế chính trị không phù hợp đương nhiên phải thay đổi. Thế hệ đi trước đã tổn thất quá nhiều nên họ sợ hãi. Với bi kịch của cha ông chúng ta lót đường, chúng ta cần nhìn quá khứ một cách tỉnh táo để không phải học lại bài học cũ đau thương đó nữa.

        À mà cả hai tài khoản Disqus của tôi mà bạn đăng ký theo dõi gần đây đều lần lượt bị “ban” bởi Triết Học Đường Phố, nên tôi đã không thể trả lời bạn bằng nick màu đỏ cho bạn theo dõi được. Nếu bạn muốn trao đổi thêm với tôi thì có thể gửi vào email: ainu.vithithanhha@gmail.com

        Triết Học Đường Phố đã giúp tôi những điều quý báu, tôi không quên những đóng góp của họ. Họ không cần một bình luận viên như tôi, có lẽ tôi sẽ tìm được một trang nào đó thích hợp hơn để đóng góp những bình luận dưới tên Ái Nữ.

  3. Thế giới luôn phát triển không ngừng. Những tư tưởng lạc hậu sẽ đc thay thế. Những gì xấu xa không phù hợp sẽ bị đào thải. Đó là quy luật của tự nhiên.

    • Nhưng sự đào thải ấy sẽ gây ra hậu quả như thế nào thì lại là cả một vấn đề rất lớn. Để đào thải khỏi trái đất này cái CN Phát Xít thì những người đi trước đã phải trả giá đắt như thế nào!

  4. Bản chất con người vốn có 1 chữ “tham” vấn đề là qua giáo dục, rèn luyện tư duy, chúng ta để phần nào lấn át phần nào mà thôi. Và tư tưởng của Mark lại chính là cách làm cho hạt giống “tham lam” nảy mầm và phát triển. Bởi vì ngay từ đầu, Mark chọn công nhân và nông dân làm nền tảng lãnh đạo xã hội. Khổ thay, họ chính là tầng lớp thiếu kiến thức, họ không được giáo dục để trở thành người có tư duy chính chắn. Một khi họ nắm quyền, sự tự tư tự lo được bộc phát.

    Nó giống như 1 người nghèo, thiếu học hành, nhưng phấn đấu vươn lên giàu có bằng những con đường ko chính đáng. Dù họ có giàu lên nhưng cách làm giàu của họ làm hư hại xã hội.

    Một người làm chính trị cũng vậy, khi nắm quyền lực trong tay thì tìm mọi cách để vơ vét của cải về mình. Tư duy của họ là mặc kệ kẻ khác, mình có tiền là được. Ko quan tâm xã hội phát triển thế nào, ko quan tâm đến sự thịnh vượn chung, tầm nhìn hạn hẹp, chỉ nhìn dc cái lợi trước mắt mà ko có đủ tư duy để nhìn cái lợi lâu dài.

  5. Chế độ nào cũng vậy cả thôi. Bản chất con người cái chữ “tham” chiếm nhiều lắm, mà cực kì nhiều…Có chăng cái xã hội tư bản kia dân chủ hơn một chút, tự do hơn một chút. Tôi nghĩ rằng, loại bỏ hay không cũng không quan trọng, vấn đề nằm ở nhân tâm, đạo đức con người- quy chung ở đây chính là dân trí của một dân tộc Và gốc rễ chính là nền giáo dục và tư tưởng, bản sắc dân tộc bao hàm và quyết định cái đó. Như dân tộc Trung Hoa, bề dày lịch sử, dòng chảy văn hóa cuồn cuộn, tính cách dân tộc họ thế nào, ra sao…chính điều đó quyết định sự phát triển của họ. Tương tự, đối với đất nước Nhật Bản…hay Hàn Quốc. Một đất nước phát triển và phát triển tới tầm cỡ nào phụ thuộc vào chế độ chính trị rất ít mà bản sắc văn hóa, tư tưởng dân tộc mới là thứ quyết định.

  6. Bài viết hay, và giống suy nghĩ của tôi (không phải giống tôi nên hay). Bản thân con người luôn đầy đủ các thành phần tốt, xấu, biến thái các kiểu. Mỗi đức tính sẽ thường bộc lộ ở những điều kiện nhất định. Nghèo thì chắt bóp, giàu thì ăn chơi. Đến người tu Phật còn khối kẻ tâm hồn nhơ nhớp! Học thuyết vốn là vì lẽ đẹp, nhưng thực tế con người không làm được như vậy!

  7. Kính gửi các bạn lý luận viên trên THĐP, sau đây link tham khảo về một vài tác phẩm của Karl Marx và Engels
    https://www.marxists.org/vietnamese/marx-engels/index.htm
    Đáng tiếc là tôi không rành tiếng Đức nên không có khả năng xác minh các tác phẩm này. Nhưng vẫn hy vọng các bạn sẽ dành chút thời gian tham khảo nó trước khi xuất bản những bài viết chụp mũ như thế này. Tôi nghĩ Marx cũng cảm thấy khá hài hước khi các bạn lấy chính các luận điểm của ông để buộc tội ông.
    “Marx đã phản đối đăng trên báo này những bài trống rỗng và phù phiếm xa rời cuộc sống thực tế và chìm đắm trong cuộc tranh luận triết học trừu tượng do “Phái tự do” nêu ra.”

    • Nhìn thẳng vào sự thật đi đồng chí. Nếu tư tưởng của Marx là ưu việt, tại sao thế giới chả ai dùng mà chỉ quanh quẩn 1 số nước và dẫn đến sự phát triển trì trệ. Đừng nói TQ là tấm gương nhé phát triển giàu mạnh nhé. Bản thân họ là quốc gia tham nhũng hàng đầu thế giới.

  8. bài viết hay, cảm ơn tác giả. câu này tuyệt vời “chủ trương không làm cách mạng vô sản mà tiến hành cải cách xã hội theo phương hướng dung hòa quyền lợi”

  9. Cho đến giờ thì rất khó để kết luận rằng Marx đúng hay sai. Nhưng có một điều chắc chắn là những người kế thừa và thực thi chủ Nghĩa Marx đều sai bét nhè cả. Cái sai đầu tiên xuất phát từ “kiểu nhà nước Chuyên chính vô sản” của Lê Nin. Nhà nước chuyên chính vô sản được tạo ra là một sự vượt cấp trái nguyên lý ” đấu tranh giữa các mặt đối lập” của Marx. Một nhà nước độc tài, chuyên chế, không có cơ chế kiểm soát quyền lực, không có sự phân chia quyền lực hợp lý sẽ dẫn đến sự tha hóa là điều tất yếu thôi. Thay vì để các lực lượng đấu tranh một cách ” tự nhiên” để hình thành một xã hội mới khi có điều kiện chín muồi, thì nhà nước chuyên chế vô sản lại đem bản chất của mình áp đặt một cách máy móc lên các mâu thuẫn của xã hội và giải quyết nó theo những ” ý niệm ” hoàn toàn chủ quan của người đứng đầu. Vì thế mới xuất hiện những cái gọi là ” cải cách ruộng đất”, “đại nhảy vọt”… đẫm máu và tang thương.
    Sự hình thành nhà nước chuyên chính của Lê Nin là quá sớm so với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, và khi đem nhà nước ấy ụp lên cho Việt Nam vào năm 1960 (chính xác thì đến năm 1960 nước ta mới chuyên chế – sau hiến pháp 1959) thì lại còn quá sớm hơn nữa. Khi đó nước ta thực chất là một nước phong kiến nửa thuộc địa, làm quái gì có chút” giá trị thặng dư” nào để nhà nước ” XH CN” phân phối? Cũng vì thế mà trong đại hội 3 năm 1960, mấy bác mạnh miệng tuyên bố ” đưa miền Bắc tiến nhanh lên Chủ nghĩa xã hội” rồi đến năm 1986 lại bảo” chúng ta đang thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội”. Cái sai lầm này ngốn sơ sơ có mấy mươi năm phát triển của đất nước và trách nhiệm thuộc về nhận thức của những người thực thi chủ nghĩa Marx chứ không phải bản thân chủ nghĩa Marx sai. Xét cho đúng ra thì chính hôm nay, 2014, chúng ta chỉ mới đặt chân lên bước đầu tiên của quá trình ” Tư bản hóa ” (dù Đỏ hay đen gì vẫn là bản chất tư bản ). Thế nên nếu xét chủ nghĩa Marx vào trường hơp nước ta thì vẫn đúng : bất kỳ một xã hội nào cũng phải phát triển theo quy luật – đi từ phong kiến lên tư bản ( còn cái đoạn sau thì chưa biết có không).

    • Cứ xem chủ nghĩa Marx là một cách giải của bài toán xã hội thì đã khẳng định nó sai (nếu không nói là bét nhè) rồi, cần gì phải đợi chứng minh thêm nữa?
      Phép biện chứng mà Marx mượn từ Hegel được xử dụng khá tốt trong luận thuyết của mình, làm say mê bao nhiêu học giả. Nhưng chẳng qua đó chỉ là cách biện luận, cách dẫn dắt người đọc theo một con đường, một kế hoạch vạch sẵn đầy tính chủ quan. Con đường đó được Marx trình bày dưới tên gọi Chủ nghĩa duy vật lịch sử , rằng xã hội loài người hình thành và phát triển thông qua 5 giai đoạn lịch sử. Nhưng 2 giai đoạn đầu và cuối hoàn toàn không có căn cứ: giai đoạn chủ nghĩa cộng sản nguyên thủy dựa theo phỏng đoán rằng thời đó không có sở hữu tư liệu sản xuất; còn giai đoạn Chủ nghĩa cộng sản được cho rằng sẽ xóa bỏ tư hữu TLSX.

      Chủ nghĩa duy vật lịch sử được Marx nghiễm nhiên xem như là một tiên đề không cần chứng minh, nhưng nó hoàn toàn lỏng lẻo và trần trụi. Vì vậy khi khoác lên chiếc áo biện chứng phép, nó trở nên kỳ diệu và hấp dẫn.
      Cộng sản nguyên thủy của Marx là một sự tưởng tượng nhiều thiếu sót. Có thể công cụ sản xuất thô sơ, mật độ dân số rất nhỏ, nhưng tranh chấp lãnh thổ giữa các bộ lạc hay các cộng đồng người luôn xảy ra ở mức khốc liệt, và điều đó thể hiện hoàn toàn tự nhiên như bản năng của các loài động vật khác. Quá trình này diễn ra đến khi nào các lực lượng tranh chấp tìm được quy tắc chung sống có thể chấp nhận được.
      Tư liệu sản xuất không phải là nguyên cớ chính để khắc họa nên các kiểu quan hệ đặc trưng cho các giai đoạn lịch sử xã hội. Còn sở hữu nói chung luôn tồn tại như một thuộc tính của con người, xã hội chỉ có thể điều chỉnh mức độ hay hình thức sở hữu hợp lý như thế nào cho sự phát triển chung của xã hội mà thôi.
      Hãy xem chủ nghĩa Marx chỉ là một trong nhiều cách tư duy, nhưng đừng đặt nó trên bàn thờ.

  10. Mình thích bài viết này nhưng ko đồng ý với đoạn “Điều này cũng do vận dụng học thuyết duy vật của ông. Ông cho rằng vật chất có trước và quyết định ý thức, ông phủ định phần tâm linh nơi con người, ông không biết rằng tính tham lam, ích kỷ đã được hình thành từ trong bào thai, là một phần thuộc tiên thiên, hoàn cảnh xã hội chỉ làm tăng thêm hoặc giảm bớt mà thôi.”. Cái này có lẽ do tác giả cũng không biết nhiều về biến dị và di truyền, nên dẫn dắt sang hướng Duy Tâm (“phần tâm linh ở con người”, “tiên thiên”), bởi vì có những phần thuộc tâm sinh lý con người đã do gen tiền định, cũng như một số bệnh di truyền, do gen bệnh có sẵn chỉ chờ môi trường biểu hiện.

  11. Bài viết hay. Đến chính mình là một người luôn hâm mộ triết học duy vật của Marx nhưng cũng phải thừa nhận rằng, sự chiếm hữu, tranh đấu và ích kỷ của con người là bản chất, là bản năng tự nhiên chứ không phải một “thói xấu” nảy sinh từ sự tư hữu. Có lẽ quả thực các Đảng viên, nhà lãnh đạo không phải bị “thoái hóa”, vì vốn con người là vậy. Tôi cũng thường hỏi những người hay chỉ trích những người có quyền lợi dụng quyền lực đưa con cháu, người thân vào bộ máy rằng, liệu ở vị trí đấy, họ có làm thế không? Câu trả lời quá hiển nhiên là có. Chẳng phải đó là “xấu”, đó chỉ là bản năng con người tìm sự tin tưởng, tìm sự an toàn và vững tâm để bảo vệ mình mà thôi. Tư hữu cũng vậy, chẳng thứ gì có thể “của chung” và “dùng chung” được. Thật đáng buồn khi nhận ra tất cả sự kém phát triển này là từ một lỗi từ bản chất 🙁

    • Học thuyết của Đác uyn lúc đó chưa biết đến gen, chưa biết đến các biến dị, thế nào là thường biến, thế nào là đột biến nên tất cả là do ngoại cảnh, việc kế thừa này dẫn đến nhận xét sai về bản chất con người, quá kỳ vọng vào đó

  12. Bài viết thể hiện sự thiếu hiểu biết về lịch sử , khiếm khuyết trong tư duy lý luận không hiểu rỏ bản chất vấn đề ngoài ra còn lấy các sự kiện lịch sử để nguỵ biện cho quan điểm của mình . Từ đầu tới cuối là lối tư duy phiến diện thiếu khách quan mang tính cá nhân của người viết . Thể hiện rõ ràng tác giả chưa từng bao giờ có kiến thức triết học Mác – Lênin hay noi chính xác là chưa bao giờ nghiên cứu một tác phẩm nào liên quan tới triết học Mác – Lênin

  13. Theo ý kiến cá nhân của mình thì một xã hội nào cũng vậy muốn phát triển và thịnh vượng thì bản chất và cách quản lý của xã hội đó phải gắn liền với bản chất của con người. Ngay cả trong học thuyết tiến hóa của Dacuyn của nói rằng sự phát triển của giống nòi là do sự cạnh tranh có chọn lọc. Vậy cơ bản, không có thực thể gì là chỉ có mặt tốt và mặt xấu không, mà luôn tồn tại cả hai mặt trong một cá thể. Rất đồng tình với bài viết của tác giả bản năng con người sinh ra vốn không phải là một tờ giấy trắng mà nó là một thực thể có không gian phát triển và trí tuệ cao, sinh ra và lớn lên con người ta sẽ phát triển thành vô vàn các loại tính cách và tạo nên sự tác động đến môi trường và những cá thể khác. Vậy không nên và không thể hướng con người theo một khuôn mẫu nào đó. Ví dụ như hoàn toàn tuân theo và nuôi dưỡng đạo đức cách mạng cộng sản hay một chủ nghĩa xã hội nhất định nào đó mà thiết nghĩ cho họ nhiều con đường lựa chọn trong một xã hội có sự cạnh tranh.
    Mỗi một việc làm và động thái của nhà cầm quyền luôn được các nhà cầm quyền có vị thế tương đương và cộng đồng soi xét. Anh chỉ xấu xa khi anh ở một mình không có nghĩa là anh sẽ xấu xa trước hàng chục bạn bè đồng lứa và con cái của anh. Khi không giải quyết được bản chất của con người đối với xã hội, cố gắng gượng ép theo một khuôn mẫu và hình thức nào đó sẽ dẫn đến sự độc tài, cuối cùng là dẫn đến đổ vỡ, như người ta đã nói là ” Tức nước thì vỡ bờ” mà thôi.

  14. xin hỏi người viết bài viết này đã đọc được bn tác phẩm của Mác và hiểu Mác đến đâu. Xin chĩ rõ tác phẩm nào của mác, mác đã đưa ra quan điểm như vậy.
    còn các bạn nói tách CN mác ra khỏi tư tưởng HCM… Các bạn đã hoàn toàn sai lầm… tư tưởng HCM kế thừa và phát triển CN Mác, CN Mác là kim chỉ nam là lý luận tiên phong cho Cách mạng nhé.

  15. Cháu cũng dồng tình với bác, theo quan điểm của cháu thì chủ nghĩa Mác gần giống chủ nghĩa xã hội không tưởng của Henri Saint-Simon,… và có thêm lý luận chặt chẽ hơn mà không để ý đến vấn đề xấu xa và tham vọng trong mỗi con người. Cháu nghĩ cụ Hồ cũng có nhiều điều hay nhưng nếu cứ bám theo cái sai lầm này thì sẽ dẫn đến sụp đổ. TQ và VN có thay đổi nhưng không dám nhìn nhận sai lầm và thay đổi 1 cách triệt để do đó làm chậm sự phát triển của đất nước. Chế độ thống trị nào cũng bảo vệ mình để hưởng lợi thôi

    • Cái bản chất sai của chủ nghĩa Marx đã rõ. Nếu Hồ Chí Minh cứ vận dụng và chỉ chịu sửa sai như đã nói trong bài viết bằng các tư tưởng về đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của mình thì cũng chỉ là liều thuốc ngoài da mà không thể sửa chữa được căn bệnh đã thâm căn cố đế của học thuyết

      • Hồ Chí Minh đã nhìn ra được điều này. Và ông muốn dùng cộng sản để giải phóng đất nước. Ông không mặn mà với chủ nghĩa cộng sản cho lắm ông luôn ca ngợi cả nhà lãnh đạo cộng sản nhưng không bao giờ đề cập đến các phép biện chứng của chủ nghĩa cộng sản, ông là nhà nghiên cứu rất ít chủ nghĩa cộng sản,cái ông cần đó đồng minh viện trợ cho mình giải phóng dân tộc

  16. NĐC, tên chú rất giống tên của một người mà cháu biết. bài viết rất hay và nói lên được vấn đề gốc rễ của xã hội hiện nay, hi vọng đất nước sẽ sớm thay đổi để quay lại thời kì hoàng kim trước đây

  17. Mình đồng ý với đoạn cuối của tác giả “để bảo vệ sự đúng đắn và trong sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh thì nên tách tư tưởng đó ra khỏi chủ nghĩa Marx, và để phát triển đất nước trong giai đoạn mới thì nên từ bỏ chủ nghĩa Marx.”. Vì trong này đã vận dụng những tinh hoa của rất nhiều chủ nghĩa và học thuyết khác nhau, lại dễ hiểu để phổ cập và mang tính thực tế, nhân văn rất cao. Thực sự mà nói thì nếu tất cả mọi người đều sống và làm việc theo “Tư tưởng Hồ Chí Minh” thì nước ta sẽ không kém gì các cường quốc khác.

    • nếu tất cả mọi người đều sống và làm việc theo “Tư tưởng Hồ Chí Minh”. ? :v . từ của ông sẽ ko bao giờ xảy ra. giống như nếu ko ai phạm tội thì ko cần có công an vậy :v . đúng là suy nghĩ mơ hồ

      • @Vi: Tư duy nào cũng cần 1 chuẩn mực. Theo mình thì đó là tư tưởng HCM.
        @Quý: Ừ. Bạn nói cũng có lý ^_^
        @Quyêt: Vậy nên nó mới là nếu. Hi vọng bạn hiểu được và trở thành người thoải mái hơn khi nhìn nhận một vấn đề 🙂

    • Mình nghĩ câu “sống và làm việc theo tư tưởng Hồ Chí Minh” cũng chỉ lại là một sự lý tưởng hóa duy ý chí khác thôi. Mỗi con người sinh ra đều có tư tưởng riêng, suy nghĩ riêng, phong cách riêng, và điều đó mới tạo ra sự phong phú, phát triển của xã hội. Bản chất con người không hề là “thối tha”, “xấu xa” hay cần cải tạo gì hết. Chính sự “không hoàn hảo” của con người là thứ tạo nên sự hoàn hảo của xã hội. Đó là lý do một nước tôn trọng tự do con người như Mỹ phát triển đến vậy. Thứ chúng ta cần là thay đổi chính tư duy của bản thân mình, tôn trọng sự đa dạng của con người chứ không phải gò ép theo một khuôn mẫu tư tưởng nào hết.

    • Bài viết hay nhưng tôi nghĩ tách tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi chủ nghĩa Mác là sai lầm, rõ ràng Hồ Chí Minh kế thừa tư tưởng Đông Tây, mà chủ nghĩa Mác là gốc, ngoài ra còn có tư tưởng của nho giáo, phật giáo, và có thể còn những học thuyết khác, các môn khoa học khác (tâm lý đám đông, các sách về mưu lược chính trị của Tầu?) ảnh hưởng đến tư tưởng của Bác Hồ mà do vấn đề chính trị ko thể nói ra

    • Nếu tất cả mọi người đều sống và làm việc theo “Tư tưởng Hồ Chí Minh” thì nước ta sẽ không kém gì các cường quốc khác đó chỉ là ảo tưởng vì một người sống và làm việc bằng tư tưởng người khác thì nói thẳng ra không còn là người nữa mà chỉ là con rô bốt bị lập trình !

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI