19.1 C
Da Lat
Thứ Sáu, 22 Tháng Chín, 2023

Doing God's Work

Người lớn và những nỗi buồn khi ta lớn lên

Photo: Yves Schiepek Visuals

 

Một cuộc đời thì mất bao nhiêu lâu để kể? Một nỗi sầu thì mất bao nhiêu  nước mắt để tan? Một người trẻ và một người già câu chuyện của ai sẽ dài hơn?

Tôi hay có thói quen tự hỏi mình những điều vớ vẩn như thế. Và bằng một cách vớ vẩn nào đó, tôi ra sức đi tìm những câu trả lời. Tôi thích những điều đong đếm được vì nó chắc chắn nhưng trong cuộc sống này, liệu có bao nhiêu điều như thế? Cuộc đời, ừ thì sáu bảy chục năm. Nỗi sầu, ừ thì cùng lắm bằng cuộc đời. Thế là hết. Khoan, chưa hết được, còn câu cuối.

Để tôi kể bạn nghe, một câu chuyện…

Tôi thường lang thang khắp các con đường trong thành phố không mục đích. Cảm giác được đi chứ không phải đích đến làm tôi hạnh phúc. Tôi ngắm nhìn thật kỹ mọi vật để biết mình đang sống và trái đất thì đang quay. Có hôm đang đi thì trời bỗng đổ mưa to, do còn mang một số tài liệu quan trọng nên tôi không dám hòa mình vào màn mưa như mọi khi. Trú tạm dưới hiên một căn nhà gần đó, tôi thấy em – một chú bé đánh giầy như bao chú bé khác. Vốn tính “tò mò” về cuộc sống, tôi ngồi xuống cạnh em và bắt chuyện.

Chú bé cũng chẳng sợ người, vui vẻ tiếp chuyện tôi, hai con người xa lạ gặp nhau dưới một cơn mưa và chia sẻ cho nhau những điều thường làm trong những ngày nắng. Câu chuyện tưởng dài bất tận nếu cơn mưa không tạnh. Tháng sáu, những cơn mưa rào mùa hạ phủ kín thành phố bất cứ lúc nào nó muốn. Tôi lại tình cờ trú chân dưới một  hiên nhà. Lần này không phải vì tập tài liệu nào cả mà vì tiếng đàn guitar của ông cụ hát rong. Tiếng đàn như kéo người ta vào một không gian khác hẳn, trầm lắng và xa xôi như từ nơi nào vọng về. Khi tôi nhẹ nhàng ngồi xuống ông dừng đánh, quay sang nhìn tôi mỉm cười. Tôi hơi bối rối vì là kẻ phá bĩnh nhưng ông đã kịp lên tiếng. Một cuộc trò chuyện lại bắt đầu như thế. Không sôi nổi như với chú bé đánh giầy, ông nói rất ít và lại tiếp tục đánh đàn.

Chẳng lâu sau đó, nhà tôi có chuyện. Không khí gia đình như những cơn sóng ngoài đại dương, bề mặt thì bình lặng nhưng trong lòng mỗi người diễn biến ra sao thì không thể biết. Tôi cũng cố gắng trò chuyện với bố, tâm sự với mẹ nhưng đáp lại tôi chỉ là ậm ừ và lặng im. Tôi nhớ vô cùng cái cảm giác được trải lòng cùng ai đó. Như khi ngồi “nấu cháo” điện thoại cả tối với đứa bạn thân. Như khi trú dưới mái hiên trong một ngày mưa nào đó…

Và tôi nhận ra rằng càng lớn con người ta càng khó để sẻ chia. Họ mang trong lòng rất nhiều ưu tư mà chẳng chịu dãi bày. Tiếng guitar của ông cụ vì sao lại thâm trầm đến vậy. Bố mẹ tôi vì sao lại im lặng đến thế. Hoặc giả, người lớn sống quá lâu để biết rằng những điều nhỏ nhặt với bọn trẻ con cũng quý giá và cần được chia sẻ chứ chẳng cần gì to tát cả. Câu chuyện cuộc đời, càng dài thì kể lại càng ngắn. Hình như con người sống để học cách tóm tắt cuộc đời chứ không phải để kể những câu chuyện của mình.

“Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người.”

Bỗng tôi lại nhớ đến câu hát này và tấm lòng hồn hậu của ai đó. Hãy mở lòng mình ra, để đón nhận và cả sẻ chia bạn nhé!

Viết cho người lớn và những nỗi buồn… khi ta lớn lên.

 

Phong Linh

spot_img
  1. VCB: 0451000409314 (Vũ Thanh Hòa)
  2. Paypal: https://paypal.me/huythdp
  3. Bitcoin / Cryptos
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

6 BÌNH LUẬN

  1. Càng lớn lên tôi càng ít nói về những câu chuyện của cuộc đời mình. Bạn bè có thể chia sẻ, tâm sự với tôi rất nhiều. Nhưng ngược lại, tôi không thể kể cho ai nghe chuyện của tôi. Đơn giản tôi thích sự cô đơn, thích tạo cho mình những hộp đen. Bài viết trên đây làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Nhưng những bức tường vô hình vẫn cứ cao lên và dày thêm làm tôi vẫn như vật thể lạ đối với mọi người.

  2. Bài viết của Bạn là tâm trạng của những người lớn trong cuộc sống. Cuộc đời con người luôn gặp những trở ngại và thách thức, nên đôi khi người ta muốn chia sẻ, cần chia sẽ và sẽ được chia sẻ, hoặc ngược lại. Chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều con người có số phận bất hạnh như cậu bé đánh giầy, ông già đơn côi,… Đôi lúc tôi cũng tự hỏi những hiểu biết của mình(mặc dù còn rất ít) tại sao lại như thế? câu trả lời rất mong lung, rất khó tìm câu trả lời cho một ai hay một số phận nào!!!
    Người lớn, họ có những bộn bề lo toan nên đôi lúc họ không chú ý đến những đứa con, những người sống xung quanh mình. Bạn hãy thông cảm và sẻ chia với “Người Lớn” những điều mình biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,010Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,190Người theo dõiĐăng Ký

XEM NHIỀU

BÀI MỚI